Hưởng ứng ngày "Toàn dân phòng, chống mua bán người" 30/7/2023

logo2

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ TÀN TẬT MỒ CÔI THỊ NGHÈ

Loading...
Trang chủ»Tin tức - Hoạt động»Chính quyền»Hưởng ứng ngày "Toàn dân phòng, chống mua bán người" 30/7/2023

Hưởng ứng ngày "Toàn dân phòng, chống mua bán người" 30/7/2023

image-20210218162259-1

               Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người. Tội phạm mua bán người là tội phạm chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm gặp nhiều khó khăn; kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không thuận lợi, nhất là các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, trong khi nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định được; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân... Tại Khoản 1 của Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có quy định: Mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: - Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; - Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; - Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; - Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; - Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Nguyên nhân phát sinh tình hình tội phạm mua bán người - Vị trí địa lý: Việt Nam có khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại, mang đậm nét về mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, cùng với những đặc điểm, yếu tố đặc thù về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội là núi liền núi, sông liền sông, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán,… Do đó, hoạt động mua bán người sang các nước lân cận, có đường biên giới liền với Việt Nam có chiều hướng gia tăng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng để đưa nạn nhân qua biên giới. - Sự phát triển của mạng xã hội: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để rủ rê, thì hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. - Sự chênh lệch về kinh tế - xã hội: Sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán người hiện nay. Đa số các vụ mua bán người diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển, có nhiều khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp, cuộc sống của họ không có đủ thông tin xã hội. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội, trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người. - Lợi nhuận rất cao: Việc thực hiện các hành vi mua bán người nếu diễn ra thuận lợi sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho các chủ thể thực hiện. Việc các tổ chức mua bán người siêu quốc gia đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn cho các “người giúp sức” thực hiện hành vi mua bán người đã câu dẫn, lôi kéo được nhiều đối tượng đang gặp khó khăn về tài chính hoặc đối tượng đã có tiền án, tiền sự cần tiền để hút chích, đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật thực hiện hành vi phạm tội. Đối tượng phạm tội mua bán người có thể là những đối tượng không nghề nghiệp ổn định, hoặc buôn bán tự do qua biên giới, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm, cũng có thể là những người thân thích, quen biết rõ nạn nhân… Nạn nhân mua bán người có thể là bất kỳ ai, trong đó thường tập trung ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa giáp biên giới. Đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc có trình độ thấp, hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh thiếu niên do ăn chơi, đua đòi và các em thanh thiếu niên mới lớn có tư tưởng muốn thoát ly khỏi học hành, nghiện game hoặc những người muốn thoát ly công việc nông nghiệp vất vả ở địa phương… để bằng nhiều thủ đoạn như: lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, môi giới cho nạn nhân kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới cho nhận con nuôi, giả vờ giúp đỡ tiền bạc, kết bạn rủ đi du lịch xa, dụ dỗ, ép buộc... nhằm bán những nạn nhân ra nước ngoài. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người - Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm: triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người - Phổ cập kiến thức cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới: Thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhờ đó họ có thể tiếp cận với thông tin từ các phương tiện truyền thông để tự bảo vệ mình đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng kinh tế khó khăn. Lồng ghép và truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người vào các chương trình học của các cấp, ngành học. - Có biện pháp hỗ trợ nạn nhân kịp thời: Đối với những nạn nhân của tội mua bán người cần có những biện pháp thiết thực giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội chỗ ở, việc làm, bảo mật các thông tin… để họ có thể quên đi những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đồng thời không kỳ thị, phân biệt đối xử để họ không cảm thấy cô lập, có những suy nghĩ tiêu cực. - Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người: Để đấu tranh phòng, chống mua bán người hiệu quả thì cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. - Tăng cường công tác hợp tác quốc tế: Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, mua bán người đã trở thành một hoạt động mang tính có tổ chức xuyên quốc gia. Việc đấu tranh phòng, chống mua bán người chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế và của từng quốc gia.

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ TÀN TẬT MỒ CÔI THỊ NGHÈ

Địa chỉ: 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 17, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 38996563 - Fax: 385140451

Email: [email protected] - Website: khuyettatthinghe.com

Copyright 2019 by TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ TÀN TẬT MỒ CÔI THỊ NGHÈ